Sáng tác Opera_tại_Việt_Nam

Lĩnh vực sáng tác của âm nhạc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 được đánh giá là đạt những thành tựu nhất định về số lượng và cả chất lượng ca khúc thời kỳ này được sáng tác một các phong phú với nhiều thể loại và hình thức như hành khúc, trữ tình, ca khúc quần chúng, ca khúc thiếu nhi... Bên cạnh đó, những thể loại có hình thức lớn như hợp xướng, trường ca tiếp tục phát triển.[27] Thời kỳ này còn xuất hiện thêm thể loại thanh xướng kịch.[4] Tư duy đa âm trong các tác phẩm hợp xướng đã phần nào chứng minh bút pháp sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đã cải thiện hơn, cũng như khẳng định cơ sở để sáng tác các tiết mục hợp xướng cho opera. Ở thời kỳ này, việc sáng tác khí nhạc cũng nhanh chóng phát triển phong phú về mặt thể loại có hình thức lớn như liên khúc sonata giao hưởng nhiều chương, tổ khúc giao hưởng, giao hưởng thơ cho tới các thể loại có hình thức nhỏ như biến tấu, rapsodie, fantasie... và các tiểu phẩm khác. Sự phát triển giao hưởng trong giai đoạn này đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn tới sáng tác opera. Khi các nhạc sĩ Việt Nam đã viết được giao hưởng thì việc viết opera cũng có thực hiện được. Thể loại kịch nói được phát triển trên tất cả các mặt sáng tác, biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu lý luận phê bình, là sự thúc đẩy cho việc phát triển các loại hình sân khấu khác như sân khấu cổ truyền (tuồng, chèo, cải lương), ca kịch và cả cho sân khấu opera.[27] Nhìn chung, các nhạc sĩ Việt Nam tiếp thu opera cổ điển và lãng mạn châu Âu, kết hợp với sử dụng những yếu tố trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam để xây dựng nên các tác phẩm opera Việt Nam.[4]

Khi tiếp cận với nền nhạc kịch châu Âu cổ điển, hai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Nhật Lai đã sáng tác những vở opera Việt Nam đầu tiên kết hợp kỹ thuật hát bel canto với kỹ thuật hát dân tộc và được giới âm nhạc Việt Nam đánh giá cao. Dù bước đầu chỉ là sự thể nghiệm, nhưng việc vận dụng kỹ thuật mang tính cổ điển của thế giới và kỹ thuật dân gian Việt Nam đã được xem là sự hứa hẹn lớn.[28]

Dưới góc độ tìm hiểu vấn đề một nhạc sĩ sáng tác có vị trí quan trọng đối với opera Việt Nam hay không, Đỗ Nhuận từng viết nhiều bài viết liên quan đến mảng đề tài này như “Bàn về ca kịch mới” (báo Văn học số 2 năm 1958), “Một thành công lớn trọng việc giới thiệu nhạc kịch Épgênhi Ôniêghin” (báo Văn nghệ số 12 năm 1961), “Dạo đầu: Cộng hay không cộng?” (báo Văn hóa số 6 năm 1969), “Từ ca khúc đến nhạc kịch” (báo Văn hóa số 8 năm 1969), “Tôi viết nhạc kịch Người tạc tượng” (báo Văn hóa số 4 năm 1970)…[16]

Bước vào thời kì Đổi mới, cơ chế thị trường với những quan niệm về thương mại hóa nghệ thuật đã tác động đến việc hình thành thị trường âm nhạc ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sáng tác, biểu diễn và đào tạo thanh nhạc chính thống. Những sáng tác lớn ngang tầm với các vở opera của Đỗ Nhuận, Nhật Lai, Hoàng Việt… hay trường ca của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi dường như không có.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Opera_tại_Việt_Nam https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://web.archive.org/web/20221003105919/https:/... https://www.worldcat.org/oclc/682149444 https://www.worldcat.org/title/682149444 https://www.google.com.vn/books/edition/Viet_Nam/m... https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://books.google.com.vn/books/about/Acting.htm... https://www.vnam.edu.vn/rs/Document/2015-LeThiMinh... https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/oper... https://web.archive.org/web/20230103052724/https:/...